Tiểu sử Phạm Kiệt

Trung tướng Phạm Kiệt


Ông là con thứ 10 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha ông là Phạm Quang Đình, một nông dân yêu nước và tham gia phong trào đấu tranh chống Pháp từ rất sớm. Mẹ ông là bà Võ Thị Vàng - một người phụ nữ trung hậu, đảm đang, gánh vác hết mọi việc nhà để tạo điều kiện cho chồng, con tham gia cách mạng. Bản thân bà cũng từng là thành viên của phong trào văn thân. Khi đã ngoài 70 tuổi, bà vẫn lặn lội vượt gần 100km để lên tận căn cứ Ba Tơ thăm, nuôi những đứa con của mình. Các anh trai và em gái của ông như ông Phạm Ngọc Trân, bà Phạm Thị Trinh cũng đều tham gia cách mạng từ rất sớm và sau này giữ nhiều trọng trách quan trọng như Trưởng ty Công an đầu tiên của Quảng Ngãi và phụ trách Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 1925, khi  mới 15 tuổi, ông đã tham gia phong trào văn thân chống Pháp và hoạt động yêu nước tại quê hương. Năm 1929, ông tham gia thành lập tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tại huyện nhà. Đến đầu năm 1931, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách Công hội Đỏ.
Tháng 6/1931, ông bị mật thám Pháp bắt giam tại nhà lao Quảng Ngãi rồi đưa lên nhà lao Lao Bảo. Xác định ông là nhà cách mạng nguy hiểm nên chỉ vài ngày sau, chúng lập tức chuyển ông về nhà tù ở Buôn Ma Thuột, nơi giam giữ những nhà cách mạng “cứng đầu” như Nguyễn Chí Thanh, Trương Quang Giao. Trong những ngày bị giam cầm tại đây, ông đã cùng các nhà hoạt động cách mạng khác tập huấn bí mật về lý luận và phương pháp vận động quần chúng cho các đảng viên mới, lãnh đạo tù nhân đấu tranh ở bên trong và tổ chức các hội quần chúng phối hợp đấu tranh bên ngoài nhà giam. Đặc biệt, ông là một trong những người quyết tâm và tích cực tổ chức vượt ngục cho một số nhà cách mạng, trong đó có đồng chí Nguyễn Chí Thanh.

Năm 1943, thực dân Pháp đưa ông về quản thúc tại “Trại An trí” Ba Tơ (Quảng Ngãi). Tại đây, ông cùng các đồng chí tổ chức chi bộ Đảng trong tù, xây dựng lực lượng cách mạng chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa.


Năm 1944, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được tái thành lập và đồng chí Phạm Kiệt giữ chức vụ Tỉnh ủy viên.


Ngày 11 tháng 3 năm 1945, ông đã trực tiếp chỉ huy đánh chiếm đồn Ba Tơ, bắt tất cả sỹ quan và quân lính trong đồn, giải tán chính quyền phản động, giành thắng lợi hoàn toàn mà không hề đổ máu, hy sinh một ai.


Ngày 13/3/1945, đội du kích Ba Tơ chính thức thành lập do đồng chí Phạm Kiệt làm Chỉ huy trưởng. Đồng chí Phạm Kiệt đã xây dựng và phát triển đội du kích Ba Tơ – Đội quân tiền thân của lực lượng vũ trang miền Trung Trung bộ lớn mạnh, góp phần to lớn vào thắng lợi của nhân dân tỉnh Quảng Ngãi trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.





 
 Đồng chí Phạm Kiệt cùng Đội du kích Ba Tơ
tuyên thề Hy sinh vì tổ quốc, vào tháng 3 năm 1945.

Tháng 8 năm 1945, đồng chí là Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa và lãnh đạo giành chính quyền ở tỉnh Quảng Ngãi. Cuối tháng 9 năm 1945, đồng chí Phạm Kiệt được giao làm Chỉ huy trưởng Quân chính Nam Trung bộ. Ông đã chỉ huy nhiều trận đánh nổi tiếng trong chiến dịch MaĐrắc ở mặt trận Phú Yên và đặc biệt là mặt trận Nha Trang 101 ngày đêm.  Năm 1946, đồng chí là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 31 thuộc Khu 5. Cuối năm 1949, ông được điều động ra miền Bắc và tham gia các chiến dịch Biên giới, Hòa Bình, sau đó làm Cục phó Cục Bảo vệ.


Năm 1952, đồng chí được cử làm Tổng đội trưởng quân sự trường Lục quân Quảng Ngãi, rồi Phó hiệu trưởng trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (1952).


Năm 1954, đồng chí được giao nhiệm vụ làm đặc phái viên của Tổng Tư lệnh và phụ trách công tác bảo vệ mặt trận tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía Đông Bắc. Ông đến tận nơi, kiểm tra trận địa pháo binh, phát hiện sự nguy hiểm bố trí pháo binh dã chiến tại một địa bàn tương đối bằng phẳng. Ông liền đề nghị Đại tướng thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Quan điểm không “đánh nhanh thắng nhanh, vì đánh nhanh tất sẽ…thua, mà đánh chắc tiến chắc, đánh như thế mới có thể thắng” của tướng Phạm Kiệt đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp hết sức tâm đắc và quyết định thay đổi cách đánh tại mặt trận Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Ở mặt trận, anh tỏ ra là một người chỉ huy kiên quyết và linh hoạt… Anh Kiệt là người duy nhất đã đề nghị tôi xem xét lại kế hoạch đánh nhanh… Chỉ có Kiệt mới dám nói câu đó!... Anh Kiệt là một cán bộ có trình độ quân sự, có tinh thần kiên định, lại có bản lĩnh vì nghĩa lớn nói lên sự thật, không chút ngần ngại”. (1)


 
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Phạm Kiệt


Từ năm 1957 đến năm 1960, đồng chí giữ các chức vụ Cục trưởng Cục Bảo vệ, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.


Năm 1960, đồng chí phạm Kiệt được điều động sang làm Thứ trưởng Bộ Công an. “Quân đội cũng rất cần chú. Nhưng nay Bác và các đồng chí lãnh đạo muốn điều chú sang Bộ công an vì bên đó đang thiếu cán bộ rành về chỉ huy quân sự”(2).

Ông đã chỉ huy hàng trăm trận đánh và chuyên án tiêu diệt gián điệp, biệt kích, bắn rơi nhiều máy bay, thu nhiều vũ khí, khí tài, tài liệu của địch, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc.

Ngoài ra, đồng chí còn là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đại biểu Quốc hội các khóa III, IV.


Đầu năm 1973, đồng chí Phạm Kiệt được vinh dự tháp tùng lãnh tụ Phidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Sau chuyến đi dài ngày này, sức khỏe của ông ngày càng giảm sút. Đảng và Nhà nước đã đưa ông sang Cộng hòa Dân chủ Đức để chữa trị.


Tháng 4 năm 1974, đồng chí Phạm Kiệt được Đảng và Nhà nước phong quân hàm Trung tướng.


Ông mất ngày 23/1/1975. An táng tại nghĩa trang Mai Dịch.


Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công Hạng ba và nhiều Huân huy chương cao quý khác. Tháng 1/1975, Trung tướng Phạm Kiệt được nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Đây là Huân chương Hồ Chí Minh đầu tiên tặng cho cá nhân.


Ngày 25 tháng 7 năm 2012, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung tướng Phạm Kiệt.


Với bản chất thẳng thắn, trung thực, luôn hết lòng yêu thương cán bộ chiến sỹ; đặt lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc lên trên hết, Trung tướng Phạm Kiệt đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, trở thành vị thủ lĩnh, người anh cả đáng kính của lực lượng Công an nhân dân vũ trang ngày đó.

0 Comments:

Đăng nhận xét